Nhà Đồng Tâm
(Gia Lai) là chốn nương thân cho những người từng muốn chối bỏ quyền làm
mẹ, giúp họ có lại niềm tin sống và giữ giọt máu của mình.
Ở thành phố Pleiku (Gia Lai), người dân đều biết tới nghĩa trang đồng
nhi do cha Nguyễn Vân Đông (nhà thờ Thăng Thiên) lập nên cách nay hơn 20
năm. Đó là
nơi yên nghỉ của 15.000 hài nhi bị cha mẹ chối bỏ, chưa được đặt tên.
Thương các cô gái lỡ mắc lỗi lầm, cha Đông cũng mở thêm nhà Đồng Tâm
làm chốn nương thân cho họ những ngày bụng mạng dạ chửa. Mỗi người một
hoàn cảnh nhưng có điểm chung là trước khi tới đây, họ đều muốn chối bỏ
quyền làm mẹ của mình. Đến đây, họ lấy lại được niềm tin và quan trọng
hơn là quyết định giữ lại đứa con. Từ năm 2004, không biết bao nhiêu em
bé đã cất tiếng khóc chào đời ở tổ ấm này.
 |
Cháu bé được các sơ chăm lo từ khi còn trong bụng mẹ. Ảnh: Chí Dũng.
|
Hiện nay, ở nhà Đồng Tâm có hai bà mẹ mới sinh và một cô gái đang mang
bầu. Tất cả họ đều còn quá trẻ, chưa đủ chín chắn để làm mẹ. Có lúc nhà
Đồng Tâm tới 15 cô gái đang mang bầu nương nhờ.
Năm nay mới 22 tuổi, cô gái có tên Thảo chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là
sinh con. Yêu một người cùng xã, ngày Thảo thông báo có bầu cũng biết
tin người yêu sắp phải đi xa. Người cha bất đắc dĩ khuyên phá thai nhưng
Thảo không chịu. Để giữ được con, cô xin vào nhà Đồng Tâm. Các sơ đưa
cô đi khám định kỳ đầy đủ, tình trạng thai nhi ổn định.
Theo sơ Sa, các cô gái khi đến đây đều có ý định bỏ con lại để đi tìm hạnh phúc mới. Bằng
tình yêu thương và sự chân thành của mình, các sơ khuyến khích, động
viên các cô giữ lấy con. Nhiều cô gái đã từ bỏ ý định phá thai, bỏ rơi
con, mà quyết tâm nuôi con khôn lớn. "Chúng tôi xem các em như người
thân, luôn cố gắng động viên để các em có tâm lý tốt trong quá trình
mang bầu", sơ Sa tâm sự.
Có 3 sơ sống ở đây chủ yếu để chăm sóc các bà bầu, trẻ mồ côi. Ngoài
ra, các sơ còn dành thời gian để giúp đỡ bệnh nhân có hoàn cảnh khó
khăn, nấu cơm cho người nghèo. Các sơ và
các bà mẹ tương lai đảm trách nấu cơm tình thương, phát miễn phí 120
suất ăn. Ngày nào cũng vậy, bệnh nhân khó khăn và người nhà đang điều
trị tại bệnh viện tỉnh đều nhận được ba bữa cơm.
Công việc này giúp các bà mẹ có cơ hội tiếp xúc với những thân phận,
cảnh đời đáng thương. Nhờ đó, các bà mẹ sẽ biết thương người, thương
mình mà bỏ đi ý định phá thai. Ngoài ra,
những cô gái mới đến được các sơ khuyến khích chăm sóc trẻ sơ sinh
không có cha mẹ. Sự hồn nhiên của các bé là liều thuốc tốt giúp thức
tỉnh người đang mang bầu muốn bỏ thai.
Người đi trước động viên người đến sau, bên cạnh đó tình thương của các
sơ đã đánh thức tình mẫu tử thiêng liêng trong lòng người mẹ. Từ nơi
đây, nhiều mầm sống đã được cứu, nhiều cháu sinh ra đã có thể được gặp
cha mẹ.
Để lo cho hơn chục mảnh đời nương
nhờ ở tổ ấm và bữa cơm tình thương, các sơ vừa chăm sóc các bà mẹ mang
bầu, các cháu bé bị bỏ rơi vừa lao động sản xuất. Các sơ
phải làm nhiều việc ở ngoài để có thêm thu nhập, kêu gọi các nhà hảo
tâm hỗ trợ. "Công việc có khó khăn vất vả nhưng niềm hạnh phúc của các
bà mẹ và sự hồn nhiên của trẻ thơ đã xua tan hết sự mệt nhọc", sơ Sa vui
vẻ nói.
Cha Đông đã xây dựng 3 ngôi nhà tình thương theo mô hình này, trong đó
hai ở Gia Lai và một tại Kon Tum. Ba tổ ấm này đã cưu mang bao mảnh đời
bất hạnh và dần dần giúp cho nhiều người hiểu đã đến lúc cần chấm dứt
tình trạng nạo phá thai.
Chí Dũng
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét