Với nhiều sự lựa chọn “nặng ký”, cuộc đua ở hạng mục Vở
diễn sân khấu sẽ càng lúc càng hấp dẫn và chắc chắn gây bất ngờ vào phút
cuối
Đa dạng thể loại, phong phú nội dung, rất nhiều tác
phẩm độc đáo, ấn tượng, năm nay bạn đọc Báo Người Lao Động sẽ vất vả
nhiều với hạng mục Vở diễn sân khấu Giải Mai Vàng. Điều đặc biệt là tất
cả các vở diễn này đều đang sáng đèn hằng đêm trên sàn diễn, thu hút
đông đảo khán giả bởi các thủ pháp dàn dựng hay từ những đạo diễn tài
hoa.
Người cũ tự làm mới
Năm nay, Sân khấu Kịch IDECAF có nhiều vở hay, có thể kể đến sự tái
ngộ đầy ấn tượng của 12 bà mụ (tác giả: Nguyễn Khắc Phục). Trên nền vững
chắc của kịch dân gian châm biếm, đạo diễn Hùng Lâm đã làm mới lại vở
kịch với cấu trúc sinh động, ngồn ngộn thông tin xoay quanh câu chuyện
bếp núc của xưởng đúc “con người” mà các bà mụ phải xoay trở với biết
bao tình huống khiến khán giả khóc cười cùng các số phận.
Vở Miêu nữ hí miêu gia (tác giả: Đăng Nhân) đã được đạo diễn NSƯT
Hữu Châu dàn dựng hết sức độc đáo. Bút pháp mượn dân gian để nói chuyện
ngày nay của tác giả Đăng Nhân một lần nữa khiến khán giả cười và suy
ngẫm.
Cảnh trong vở nhạc kịch Chicago
Say đắm lòng người và cuốn hút đến từng chi tiết phải kể đến vở Bông
hồng cài áo (tác giả: Hoàng Khâm, Kim Cương) của đạo diễn Vũ Minh. Dựng
lại vở cũ nhưng anh làm mới bằng cách nhấn mạnh trọng tâm vào các số
phận kịch, đưa hơi thở cuộc sống và tuổi trẻ vào các vai diễn.
Kịch Hoàng Thái Thanh vẫn với 2 “cây đa” là đạo diễn Ái Như và NSƯT
Thành Hội đứng tên các vở dựng. Năm nay, họ có 2 tác phẩm tạo được tiếng
vang: Sáu tháng, anh và em (tác giả: Nguyên Thảo, đạo diễn: Ái Như) và
Chuyện bây giờ mới kể (tác giả: Lâm Quang Tèo, đạo diễn: NSƯT Thành
Hội). Hai vở diễn với thủ pháp đạo diễn chắc tay, gọn gàng, tiết tấu
kịch nhanh nhưng vẫn bảo đảm được tính dung dị, sâu lắng, trữ tình của
câu chuyện. Ưu thế của cả hai đạo diễn này chính là tạo ra được những
không gian mang tính “mở’ trong mọi tình huống kịch để khán giả chiêm
nghiệm, suy luận; khiến người xem có thể lên án các nhân vật nhưng rồi
vẫn có những góc nhìn để chia sẻ, cảm thông.
Đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc năm nay có vở Trò chơi tham vọng (tác
giả: Mỹ Dung) sáng đèn trên Sân khấu Hoàng Thái Thanh. Vở kịch về đề tài
tình yêu, nhân vật mang nặng tâm lý trả thù nhưng cách dàn dựng như
đang kể một câu chuyện hết sức dung dị, nhân văn. Tất cả góp phần đặc tả
mối tình nồng nàn của nữ họa sĩ Bích Nhược với người thầy là họa sĩ
Trần Thế Thế khiến người xem xúc động và thích thú.
Tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, đạo diễn Nguyễn Công Ninh đã có
2 bản dựng: Đêm định mệnh (tác giả: Vương Huyền Cơ) và Hạnh phúc ở đâu?
(tác giả: Văn Ruy). Đạo diễn đã đưa những “miếng” hài vào các tình
huống khiến khán giả cười sảng khoái nhưng vẫn nhớ da diết số phận nhân
vật nhờ tài nghệ diễn xuất của các nghệ sĩ.
Người mới nỗ lực tỏa sáng
Sân khấu IDECAF có vở Xóm vịt trời (đạo diễn: Tuấn Khôi, tác giả:
Hương Giang) đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến thú vị khác. Sau những
màn hí kịch châm biếm, những bài dân ca vùng miền, những câu hò chan
chứa sự sẻ chia của thân phận dân nghèo được đưa vào vở kịch tạo sự lắng
đọng đến rơi nước mắt. Cả tác giả và đạo diễn đều là người mới nhưng vở
dựng chắc tay, tạo được hiệu ứng nghệ thuật và có sự tương tác cao với
khán giả.
Sân khấu Kịch Phú Nhuận có vở Trăng máu (tác giả: Xuyên Lâm, đạo
diễn: Diệp Tiên) và 3, 5, 7 (tác giả, đạo diễn: Lê Quốc Nam) thu hút
đông khán giả. Cả hai đều là đạo diễn trẻ được sân khấu này tạo mọi điều
kiện hỗ trợ. Nếu Trăng máu của đạo diễn Diệp Tiên tạo sự bất ngờ thú vị
ở cuối vở thì 3, 5, 7 dưới bàn tay của Lê Quốc Nam đã dẫn dắt người xem
qua những chặng dài để tìm tới đoạn kết với mỗi tình huống đều khiến
khán giả phải hồi hộp, bàn luận, phán đoán.
Sân khấu Sài Gòn Phẳng năm nay có vở Kỳ nghỉ kinh hoàng (đạo diễn:
Ngọc Hùng, tác giả: Gia Bảo) mang hơi hướng kịch kinh dị pha hài hước
nhưng thủ pháp dàn dựng chắc gọn. Một đạo diễn mới khác của sân khấu này
là Nguyễn Tấn Giàu, đồng thời là tác giả kịch bản, vừa dàn dựng vở Xác
trôi sông cũng không sử dụng các chiêu thức hù khán giả mà dùng tình
tiết kịch khiến người xem cảm động.
Hai tác phẩm nhạc kịch ấn tượng của đạo diễn Nguyễn Khắc Duy là Tuyết
đỏ và Chicago đã làm đổi mới khẩu vị thưởng thức của giới trẻ hiện nay
khi bắt đầu làm quen với nhạc kịch Việt.
Nghệ sĩ Vũ Văn Long của Sân khấu Nụ Cười Mới chứng minh sự lên tay
của mình khi dàn dựng vở Ông già lắm chiêu do chính anh sáng tác kịch
bản và đạo diễn với những câu chuyện pháp đình rất duyên mà anh đã
chuyển thể từ thông tin báo chí. Khán giả cười đó nhưng lại phải giật
mình, suy ngẫm vì đâu đó trong sự châm biếm của tác giả, có những cảnh
báo nóng bỏng về thời cuộc và nhân sinh.
Tất cả các vở diễn được xem là ứng viên sáng giá kể trên đều đang
lôi cuốn khán giả đến rạp vào những ngày cuối tuần và việc Mai Vàng 2013
sẽ gọi tên ai vào cuối năm nay phụ thuộc vào sự lựa chọn từ người yêu
kịch.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét